» GIÃN TĨNH MẠCH THỪNG TINH


GIÃN TĨNH MẠCH THỪNG TINH

 

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng tĩnh mạch nằm phía trên tinh hoàn bị xoắn giãn một cách bất thường làm cho tinh hoàn bị chảy xệ. Bệnh thường xuất hiện quanh tinh hoàn trái với tỷ lệ trên 80% trường hợp. Bệnh xảy ra do dòng máu chảy ngược vào trong các tĩnh mạch gây ứ đọng ở mạch máu phía trên tinh hoàn. Bệnh tuy không có triệu chứng rõ ràng nhưng nhiều trường hợp dẫn đến vô sinh.

NGUYÊN NHÂN

Hiện nay, vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thừng tinh, có thể do nhiều yếu tố:

-         Do tăng nhiệt độ ở bìu, làm nhiệt độ tinh hoàn tăng lên 0,6-0,80C

-         Do trào ngược các chất chuyển hóa từ thượng thận và thận vào tĩnh mạch tinh, ứ đọng máu tĩnh mạch, tăng prostaglandine hoặc catecholamine trong tĩnh mạch tinh

-         Do bẩm sinh cấu trúc của tĩnh mạch không bình thường.

-         Giãn tĩnh mạch tinh xảy ra khi tĩnh mạch tinh không có van hoặc hệ thống van chống trào ngược bị trục trặc. Do đó, máu từ tĩnh mạch thận hoặc tĩnh mạch chủ dưới trào ngược vào tĩnh mạch tinh làm cho tĩnh mạch tinh ngày càng giãn rộng, lượng máu ứ đọng lại quanh tinh hoàn quá nhiều.

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Hầu hết các trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh không có triệu chứng. Nếu là giãn nhẹ (độ 0, độ 1) thì thường không đau, giãn nặng (độ 3) sẽ gây đau hoặc cảm giác nặng và khó chịu ở vùng bìu. Ở người lớn, giãn tĩnh mạch thừng tinh thường được phát hiện khi bệnh nhân khám vô sinh. Phần lớn giãn tĩnh mạch tinh hoàn phát triển dần theo thời gian, thường ở bên tinh hoàn trái. Giãn tĩnh mạch tinh hoàn ở một bên có thể ảnh hưởng đến sự tạo ra tinh trùng của cả 2 tinh hoàn. Bệnh hiếm khi gây đau, trường hợp có đau nhiều thì nằm ngửa thấy đỡ.

 

 

Bệnh nhân trẻ tuổi, đến khám chủ yếu vì đau tức, khó chịu ở vùng bìu với đặc điểm: Giảm khi nằm nghỉ, tăng khi ngồi lâu, đứng lâu hoặc vận động nhiều. Bệnh nhân có thể đến khám vì thấy bìu to hoặc nhìn thấy các mạch máu ở bìu giãn to hằn lên dưới da. Trẻ em đến khám do đau hoặc khó chịu ảnh hưởng đến sinh hoạt. Khám vùng bìu tư thế đứng có thể sờ thấy thừng tinh dày, có nhiều tĩnh mạch giãn mềm, đôi khi nổi ngoằn ngoèo ở dưới da bìu phía trên tinh hoàn, khi sờ vào có cảm giác như “búi giun”. Thể tích tinh hoàn nhỏ so với người khác cùng tuổi. Bất thường của tinh dịch đồ. Giảm nồng độ testosterone và thay đổi nhiều hormon khác. Khi giãn tĩnh mạch thừng tinh to, có thể thấy một khối sưng phía trên bìu. Đối với bệnh nhân khi làm công việc nặng, đứng lâu, ngồi lâu sẽ thấy các dấu hiệu: Đau ở vùng tinh hoàn; cảm giác nặng nề ở tinh hoàn; sờ vào gốc dương vật thấy có những búi giống như sợi mì; tinh hoàn bên bệnh nhỏ hơn bên kia.

PHÂN ĐỘ

- Độ 0: Giãn tĩnh mạch tinh chưa có biểu hiện lâm sàng. Không phát hiện được khi thăm khám, chỉ phát hiện được khi làm các thăm dò cận lâm sàng như siêu âm (gọi là giãn tĩnh mạch tinh khi có ít nhất một tĩnh mạch trong đám rối tĩnh mạch có đường kính lớn hơn 3 mm, có hồi lưu khiến phình to hơn sau khi bệnh nhân đứng dậy hoặc cho làm nghiệm pháp gắng sức (nghiệm pháp Valsalva)

- Độ 1: Giãn tĩnh mạch tinh sờ thấy hoặc nhìn thấy khi làm nghiệm pháp gắng sức.

- Độ 2: Giãn tĩnh mạch tinh sờ thấy nhưng không nhìn thấy khi đứng thẳng mà không cần làm nghiệm pháp Valsalva.

- Độ 3: Giãn tĩnh mạch tinh nhìn thấy hiện rõ ở da bìu khi đứng thẳng.

(Theo Dubin và Amelar tại Hội nghị Quốc tế năm 1970 tại Dublin)

BIẾN CHỨNG

Bệnh gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hằng ngày, nếu không được điều trị kịp thời, nó còn có thể gây ra vô sinh do số lượng tinh trùng giảm, chất lượng cũng giảm sút... vì tinh hoàn chỉ sản xuất tinh trùng có chất lượng nếu nhiệt độ của bìu thấp hơn nhiệt độ cơ thể từ 3- 40C. Bệnh có thể gây teo tinh hoàn: Có cảm giác tinh hoàn nhỏ và mềm hơn, do các van không hoạt động tốt nên máu không dồn vào các tĩnh mạch, kết quả là tăng áp lực ở các tĩnh mạch.

ĐIỀU TRỊ

Không phải tất cả bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thừng tinh đều phải phẫu thuật, trường hợp tĩnh mạch thừng tinh không giãn to hơn và không gây khó chịu thì có thể không cần điều trị. Ngược lại, khi bệnh tiến triển nhanh và gây đau đớn kéo dài, bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật để cột các tĩnh mạch giãn chung quanh tinh hoàn.

Chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp: Tĩnh mạch tinh lớn gây khó chịu, gây đau tức bìu kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cản trở trong sinh hoạt (độ 2,3). Làm giảm thể tích tinh hoàn, ảnh hưởng tới tinh dịch đồ, nhất là thay đổi tinh dịch đồ ở người trưởng thành trên 18 tuổi nguy cơ gây vô sinh.

Điều trị nội khoa trong trường hợp giãn nhẹ (độ 0,1) và không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng hoặc có triệu chứng nhưng không thường xuyên.

Bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thừng tinh không nên mặc quần lót quá chật, có chất liệu nilon gây ngứa ngáy và ứ đọng mồ hôi. Thường xuyên vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Không sờ, nắn thường xuyên vào tinh hoàn bị bệnh để tránh biến chứng.

Nhiều nghiên cứu cho biết giãn tĩnh mạch tinh hoàn chiếm 15% ở nam giới và là nguyên nhân gây vô sinh nam với tỷ lệ lên đến 40%; trong đó, khoảng 35% trường hợp vô sinh nam nguyên phát và 75-81% trường hợp vô sinh nam thứ phát; 90% bị giãn ở bìu bên trái và khoảng 10% bị giãn cả hai bên. Có khoảng 20% đàn ông mắc chứng giãn tĩnh mạch tinh sẽ bị hiếm muộn.


Quý khách cần tư vấn về phòng và điều trị hãy liên lạc với chúng tôi:

PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y TRƯỜNG SINH ĐƯỜNG

58 Hà Chương - P. Trung Mỹ Tây - Quận 12 - TP. Hồ Chí Minh

ĐT: 0918151869. Email: bstruongsinh@yahoo.com.vn

                                             quocbaolong@yahoo.com

Tham khảo tại Website: phongkhamtruongsinhduong.com

BS Trương Hồng Quốc

Điện thoại: 0918151869
Email: bstruongsinh@yahoo.com.vn

Lịch làm việc:

Sáng 7h30 - 11h30
Chiều 14h00 - 18h00
Chiều Chủ nhật Nghỉ
Vấn đề bạn quan tâm
PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y TRƯỜNG SINH ĐƯỜNG. Giấy phép số: 04130/SYT-GPHĐ
58 Hà Chương - P. Trung Mỹ Tây - Quận 12 - TP. Hồ Chí Minh
ĐT, Zalo: 0918.151.869
Website: www.phongkhamtruongsinhduong.com
Email: bstruongsinh@yahoo.com.vn, quocbaolong@yahoo.com
Đang online:
Lượt truy cập: 301934